Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Nạn nhân của ngoại tình là con trẻ'

Nạn nhân của ngoại tình là con trẻ'

Nhiều người "ăn phở" nhưng vẫn cố duy trì gia đình với lý do vì con, nhưng thực tế, song các chuyên gia tâm lý cho rằng thực ra ly hôn lại là giải pháp cứu con cái, để trẻ vẫn nhận ra sự chân thật trong cuộc sống luôn quý giá. 

Dưới đây là phân tích của nhà tâm lý Văn Thanh Sĩ, chuyên viên tư vấn Văn phòng TT&T, Đài 1088 TP HCM, về những ảnh hưởng nghiêm trọng của ngoại tình gây ra cho con cái của "người trong cuộc".
Ngoại tình với cách nhìn nhận đơn giản là khi một người nuôi dưỡng một mối quan hệ, một tình yêu khác ngoài mối quan hệ hôn thú với vợ hay chồng của mình. Chúng tôi gọi đây là mối quan hệ tay 3. Nhìn ở mọi góc độ theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý thì đây là một vấn nạn không tốt trong cuộc sống gia đình.
Có hai kiểu ngoại tình.
Ngoại tình công khai, tức đương sự không cần che giấu người thứ 3 với bạn đời và những người thân trong gia đình, thậm chí với cả con cái. Những người này thường chưa hoặc không muốn ly dị vì có nhiều ràng buộc, có thể là trách nhiệm với con cái, danh dự cá nhân hoặc là vì thanh danh của một dòng họ... Hệ lụy kéo theo là sự mặc cảm về tâm lý của con cái, người thân với cộng đồng xã hội xung quanh. Tác động mạnh nhất vẫn là tâm lý phát triển của trẻ trong gia đình.
Ảnh minh họa: Thephantomcountry.blogspot.com.
Đối với trẻ dưới 12 tuổi, ý thức mặc cảm chưa hình thành rõ, trẻ sẽ thích nghi và chấp nhận mối quan hệ tay 3 của cha hoặc mẹ như một cuộc sống bình thường. Chính điều này làm lệch đi ý nghĩa nhân sinh, sự chân thật của tình yêu vợ chồng trong cuộc sống gia đình lên ý thức của trẻ trong tương lai. Ảnh hưởng lớn nhất là sự thiếu hụt thời gian dành cho nhau của các thành viên trong gia đình vì sự có mặt của người thứ 3, sự thiếu vắng tình thương của cha/mẹ dành cho trẻ.
Nhân cách của trẻ phụ thuộc rất lớn ở giai đoạn này. Đến tuổi nhận thức được về tình yêu, trẻ sẽ nhận thấy sự mâu thuẫn giữa xã hội và mối quan hệ trong gia đình mình. Trẻ sẽ mất tự tin khi hòa nhập hoặc thể hiện mình trong môi trường tập thể. Sự sáng tạo, tính năng động, giao tiếp của trẻ sẽ kém hơn so với bạn cùng trang lứa.
Quan trọng nhất vẫn là tình cảm, tình yêu của trẻ đối với những người thân trong gia đình nhỏ và mọi người trong cộng đồng xã hội xung quanh sẽ lệch hướng.
Trên 12 tuổi, trẻ quan tâm đến bản thân nhiều hơn, thường muốn thể hiện mình trước mọi người. Trong gia đình bình thường thì cha/mẹ lúc này chính là mẫu người trẻ học tập nhiều nhất. Nhưng nếu có người thứ 3, đa số các bậc phụ huynh sẽ quan tâm đến những khoảng riêng của mình nhiều hơn, trong khi trẻ cần sự bổ sung lẫn nhau của cả hai đấng sinh thành. Như vậy con cái họ sẽ mất đi sự vô tư, ngây thơ vốn có vì phải suy nghĩ về sự cá biệt của gia đình mình, trong khi các trẻ khác sẽ có nhiều thời gian để học tập, nâng cao các kiến thức xã hội.
Trẻ sẽ tò mò muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa cha mẹ, người thứ 3 và các vấn đề xoay quanh các nhân vật đó như: tình yêu, tình dục, nhân sinh quan con người thì cái gì là quan trọng... Nếu không có người lớn kèm và hướng dẫn, các em có thể ngộ nhận giữa tình yêu với tình dục và nhân cách cũng dễ chuyển hướng sai lệch.
Đối với con cái ở tuổi trưởng thành thì ảnh hưởng cũng không kém. Con cái sẽ phán xét cha/ mẹ mình, đánh giá lối sống của họ là sai hay đáng thương hại. Tất cả những điều đó hầu như đều dẫn đến cách cư xử, tình cảm nghiêng về một bên. Tình trạng phân biệt cư xử giữa bố - mẹ - con cái khiến cho gia đình trở thành cá biệt, sự xa lánh nhau sẽ xuất hiện. Cũng cần kể đến sự phát bản tính sân si, ích kỷ, tính toán trong các vấn đề tài sản, hoặc các vấn đề khác kéo theo niềm tin giữa các thành viên trong gia đình có thể hoàn toàn biến mất.
Nếu bố hay mẹ ngoại tình kín, tức là người thứ 3 nằm trong vùng bí mật thì tâm lý sẽ ảnh hưởng nặng nề với chính "người trong cuộc" khi phải phân thân để sống 2 mặt, một cho gia đình và một cho người thứ 3. Tâm lý tính cách của đương sự sẽ hỗn loạn hơn khi phải đối mặt với nhiều mối quan tâm: khoảng riêng và khoảng cho gia đình.
Khi phải che giấu sự việc, tất yếu đương sự sẽ phải dằn vặt bản thân nhiều hơn mặc dù luôn chuẩn bị tâm lý rằng sự thật sẽ có lúc phải công khai. Mổ sẻ điều này cho thấy trường hợp ngoại tình kín này thì cuộc sống gia đình thường phức tạp, rối ren nhiều hơn so với trường hợp “công khai”. Vì vậy ảnh hưởng của trẻ trong các gia đình này cũng sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Thường thì trẻ sẽ phát triển tính cách theo nhiều xu hướng khác nhau.
Thứ nhất, trẻ sẽ thường xuyên bị “bỏ quên”, mất cân bằng với sự chăm sóc của cha hay mẹ. Ở mọi lứa tuổi sự chăm sóc của bố mẹ, đặt biệt là của cả cả hai vẫn là điều quan trọng nhất trong quá trình hình thành nhân cách cho trẻ. Hệ lụy kéo theo là trẻ sẽ bị ảnh hưởng theo bất cứ gì xung quanh trong giai đoạn này mà sự dạy dỗ, kiểm soát, phòng ngừa, sửa chữa là rất khó.
Thứ hai, là những “cú sốc” tâm lý tất nhiên sẽ xảy ra khi sự thật ngoại tình được phơi bày. Trẻ sẽ thất vọng về người lớn, về gia đình... và so với các trẻ khác thì hành trang cho tương lai của trẻ sẽ nặng nề hơn nhiều. Hệ lụy kéo theo cho sự việc này là trẻ sẽ tự ti, có thể hình thành bản tính thích cô độc, hoặc dễ dàng chấp nhận những sai trái trong xã hội cũng như trong gia đình mình. Điều này cũng có nghĩa là việc trẻ sẽ thực hiện những sai trái đó cũng là chuyện một sớm một chiều mà thôi.
Khi chuyện ngoại tình chính thức được phơi bày thì trẻ cũng sẽ chịu các hệ lụy giống như trường hợp ngoại tình công khai nếu như bố mẹ không đi đến quyết định ly hôn.
Trường hợp thứ 3, khi ngoại tình dẫn đến ly hôn
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bù đắp đầy đủ tình thương của cha và mẹ cho trẻ. Trường hợp này, cha hoặc mẹ sẽ phải nhân đôi tình thương, thời gian và tất cả những gì có thể cho trẻ nếu như không muốn trẻ mất cân bằng tâm lý.
Trường hợp này có phần tốt hơn so với 2 trường hợp trên, vì đích cuối cùng trẻ hiểu sự việc sẽ đơn giản hơn: Bố mẹ không còn thương nhau nữa thì làm bạn tốt, trong tình yêu vẫn còn tốt đẹp, hoặc không có sự lừa dối những người thân yêu...
Tóm lại, khi ngoại tình xảy ra, bất cứ trong trường hợp nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý của những người thân trong gia đình, trực tiếp và chịu ảnh hưởng lớn nhất vẫn là con cái chúng ta. Xin lưu ý đến các bậc phụ huynh rằng: trường hợp tệ nhất là việc ly hôn, nhưng đây vẫn là giải pháp tốt để cứu lấy con cái. Trẻ vẫn nhận ra được rằng dù bất cứ gì xảy ra, sự chân thật trong cuộc sống vẫn còn là điều quý giá. Ngược lại, nếu đứng trên quan điểm “vì con” mà vợ hay chồng cứ giữ lấy nhau, thì điều này sẽ dằn vặt con nhiều hơn cũng như nhân sinh quan của trẻ dễ lệch lạc về sự chân thật trong cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét