Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Lạc' vào vườn thanh long của các nông dân triệu phú

Lạc' vào vườn thanh long của các nông dân triệu phú

Trên cánh đồng thanh long mút tầm mắt, những hàng cây xanh ngắt chạy dài, điểm xuyết màu đỏ lấp lánh của quả chín la đà mặt đất. Hơn chục năm nay, nhờ "cây xóa nghèo" này mà hàng nghìn hộ dân ở đồng bằng sông Cửu Long có tiền xây nhà lầu, mua xe hơi...
Làng trồng hoa sắm ôtô đi làm vườn

Điển hình là gia đình ông Phan Văn Nguyên (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang). Ông cho biết, ba đời gắn bó với cây lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Ông là một trong những người tiên phong khởi xướng phong trào trồng cây thanh long xóa nghèo tại huyện Chợ Gạo. Sau khi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, năm 1992 ông Nguyên quyết định chuyển gần 2 ha diện tích ruộng lúa sang trồng loại trái cây này.
Ông Phan Văn Nguyên. Ảnh: Thi Trân.
Ông Phan Văn Nguyên trong buổi hội thảo tìm hiểu về phương pháp trồng thanh long sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. Ảnh: Thi Trân.
Với kinh nghiệp "học lỏm" từ những người đi trước, ông cần mẫn bắt tay vào cải tạo lại đất ruộng, tiến hành đào mương, be bờ, đào hố, chôn cọc để trồng thanh long. Thời gian đầu tiên xuống giống khá vất vả và tốn kém, nhất là khâu tưới tiêu, diệt cỏ, bỏ phân và diệt nấm bệnh cho cây. Vừa làm vừa học hỏi, dần dần ông Nguyên cũng thuộc làm lòng từng phương pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây và trái.
Theo ông, để cây thanh long mau lớn và đạt sản lượng cao ngoài việc tưới tiêu để cây hấp thụ đủ nước còn phải che đậy cẩn thận để bảo vệ bộ rễ và tránh tác hại từ ánh nắng mặt trời hay ngập nước, gió bão. Ngoài ra, vào mùa rét phải có biện pháp ủ ấm.
Ông Nguyên nhớ như in thành quả năm đầu tiên, cánh đồng thanh long bạt ngàn cho trái đỏ rực. Sau khi thu hoạch trái chín mang đi bán, trừ hết chi phí ông thu lợi vài chục triệu đồng, số tiền không hề nhỏ đối với người nông dân vào thời điểm ấy nên cả gia đình ai cũng vui. "Bao nhiêu công lao vất vả nên khi thấy thành quả vậy mừng lắm. Sau đó nhiều bà con cũng qua hỏi thăm và nhờ chỉ cách trồng tui cũng không giấu nghề", ông Nguyên, 50 tuổi nhớ lại.
Thanh long là loài cây ăn trái lâu năm nên chỉ cần đầu tư trồng một lần cây, phải đến hơn chục năm sau mới phải cải tạo làm vườn mới. Thanh long ra trái liên tục, trung bình từ 10 đến 15 ngày lại có một đợt chín. Ông Nguyên cho biết, ban đầu cây chỉ cho trái vào mùa thuận tức là từ tháng 4 đến tháng 10, song sau này nhờ học hỏi mà ông biết cách chong đèn để cây ra trái cả vào mùa nghịch.
Nhất là từ chục năm trở lại đây khi trái thanh long được xuất khẩu ra nước ngoài với mức tiêu thụ và giá cả ổn định hơn, hàng nghìn hộ dân nghèo ở tỉnh Tiền Giang nhờ đó được đổi đời. Riêng gia đình ông Nguyên, nhờ dành dụm mà đến nay cũng xây được nhà 2 lầu, tậu xe hơi và có của ăn của để và lo cho hai đứa con học hành đến nơi đến chốn.
Trái thanh long mang lại cơ hội đổi đời cho hàng chục nghìn nông dân. Ảnh: Thi Trân.
Trái thanh long mang lại cơ hội đổi đời cho hàng chục nghìn nông dân miền Tây. Ảnh: Thi Trân.
Cũng hoàn cảnh nghèo khổ rồi phất lên nhờ cây thanh long, ông Huỳnh Văn Tây (huyện Châu Thành, Long An) cho biết, hiện ông đang canh tác trên diện tích 1,2 ha với khoảng 1.900 gốc. Hàng năm thu hoạch khoảng từ 18 đến 20 tấn trái chín trên mỗi ha, sau khi trừ chi phí ông thu lợi 90-100 triệu đồng.
Tuy nhiên thời gian gần đây vấn đề xuất khẩu thanh long sang nước ngoài gặp nhiều khó khăn do tiêu chuẩn "thực phẩm sạch" ngày càng khắt khe. Nhiều container thanh long xuất khẩu sang Mỹ bị trả về vì kết quả kiểm tra cho thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khá cao.
Vì thế để cải tiến chất lượng trái thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường "khó tính" như Mỹ, Nhật, Australia, ông Huỳnh Văn Tây mạnh dạn tiên phong áp dụng phương pháp trồng thanh long sạch theo quy định quốc tế. Sau một thời gian áp dụng, đến nay lứa thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGap đầu tiên đã cho trái to sắp chín. Toàn bộ lô hàng mẫu này dự tính sẽ xuất khẩu sang Mỹ vào cuối tháng 2 tới.
Ông Huỳnh Văn Tây chia sẻ với nông dân về mô hình trồng thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Thi Trân.
Ông Huỳnh Văn Tây chia sẻ với nông dân về mô hình trồng thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Thi Trân.
Tại buổi hội thảo "Tổng kết mô hình sản xuất thanh long hữu cơ xuất khẩu đi Mỹ" tổ chức tại Châu Thành, Long An ngày 18/2, ông Tây cho biết, ngay từ đầu khi áp dụng mô hình theo tiêu chuẩn VietGap, ông cam kết chỉ sử dụng phân hữu cơ sạch nhập khẩu từ Mỹ và không dùng thêm phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật.
"Tôi cũng hồi hộp lắm. Chỉ mong sao chất lượng đạt được đúng như mong đợi. Mỹ là thị trường 'khó tính' nên chỉ cần trái thanh long được chấp nhận ở đây thì cơ hội xuất khẩu đi những nước khác là rất lớn", ông Tây chia sẻ sau khi dẫn đoàn cán bộ nông nghiệp tham quan khu vườn thanh long được trồng bằng phương pháp mới của mình.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Hữu Thật, Chủ tịch hội Nông dân xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết khoảng chục năm trở lại đây thanh long được xem là "cây xóa nghèo" ở địa phương. Hiện nay xã có khoảng 530 hộ dân (chiếm một nửa số hộ) chuyên canh cây thanh long với diện tích 250 ha.
"So với lúa thì cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và cải thiện mức sống nhờ trồng loại cây này. Theo chủ trương của xã đến năm 2015 sẽ chuyển 90% đất nông nghiệp sang trồng thanh long", ông Thật nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét