Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Cụ ông 72 tuổi rong ruổi đạp xích lô

Cụ ông 72 tuổi rong ruổi đạp xích lô

Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng ông lão tuổi "thất thập cổ lai hy" lại lầm lũi đạp chiếc xích lô cũ đến dựng trước cổng chợ Tân Định (quận 1, TP HCM). Ông kiên nhẫn ngồi đợi đến khi có khách gọi là vui vẻ bắt tay vào việc.
Hai cụ già cơ cực ở vỉa hè

Ông lão 72 tuổi ngồi trên chiếc xích lô đợi khách. Ảnh: Thi Ngoan.
Đến khi trời tối mịt, ông Trung Văn Lai, 72 tuổi vẫn ngồi trên chiếc xích lô đợi khách. Ảnh: Thi Ngoan.
Ông lão tên là Trung Văn Lai, 72 tuổi, quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Ngồi trên chiếc xe xích lô cũ kỹ, ông cụ dáng người còm cõi, mái tóc bạc phơ, làn da đen nhăn nhúm, miệng cười móm mém bảo: "Ông vẫn còn khỏe lắm. Đạp xe nhiều lúc cũng mệt, nhất là hôm nào đông khách đêm về chân lại nhức. Nhưng được cái trời thương cho ông sức khỏe, không bệnh tật gì cả".
Sinh được 6 người con, 4 trai, 2 gái, cuộc sống ở quê nghèo khó làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn. 15 năm trước ông Lai quyết định khăn gói lên thành phố kiếm kế sinh nhai. Thời gian đầu ở Sài Gòn lạ nước lạ cái, ông cụ cũng thử làm đủ nghề kể cả bán lá chuối ở chợ nhưng thu nhập có được chẳng đáng là bao. Cuối cùng ông quyết định dốc hết khoản tiền ít ỏi dành dụm mua một chiếc xe xích lô cũ để chở hàng thuê.
Bà Trần Thị Thêm, khách ruột của ông Lai. Ảnh: Thi Ngoan.
Hàng ngày ông Lai đều đến tận nhà chở bà Thêm đi chợ, đi lễ nhà thờ. Ảnh: Thi Ngoan.
Ngày nào cũng vậy, trời nắng cũng như mưa ông lão đều ra khỏi nhà từ 6h sáng, rong ruổi khắp nẻo đường thành phố tìm khách đến tối mịt mới về. Đến nay đã tròn 15 năm gắn bó với nghiệp đạp xích lô, ông Lai cho biết trung bình mỗi ngày ông kiếm được khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng. Sau khi trừ phí phòng trọ, ăn uống sinh hoạt, hàng tháng ông để dư hơn 2 triệu đồng gửi về quê cho vợ và các con.
Lầm lũi mưu sinh chứng kiến xã hội đổi thay từng ngày, ông Lai tâm sự: "Vất vả mấy ông cũng không thấy mệt nhưng chỉ buồn vì càng ngày lượng khách đi xích lô càng giảm". Nếu khoảng hơn chục năm trở về trước mỗi ngày ông chở được 20 lượt khách thì đến nay chỉ còn 10 người, đa phần là các cụ già không thể ngồi xe máy.
"Thu nhập của ông từ đó đến giờ tính ra vẫn vậy nhưng khổ nỗi vật giá nay đắt gấp đôi lúc trước. Một bó rau muống hồi đó chỉ 2.000 đồng, bây giờ đã lên 5.000 đồng, rồi gạo, thịt cái thì cũng tăng hơn một nửa. So với hồi xưa thì nay cuộc sống khó khăn hơn nhiều", ông cụ bần thần tính toán.
Trời đã tối mịt ông lão vẫn lầm lũi đạp xe đón vị khách cuối cùng rồi mới về. Ảnh: Thi Ngoan.
Trời đã tối mịt ông lão vẫn lầm lũi đạp xe đón vị khách cuối cùng rồi mới về nhà ngủ. Ảnh: Thi Ngoan.
Thấy ông lão đạp xích lô hiền lành, thật thà, chăm chỉ lao động lại vui vẻ nên nhiều người thương "bắt mối" nhờ ông chở đi mỗi ngày. Một số bà khách "ruột" lâu lâu cũng "bo" cho ông cho thêm vài chục nghìn đồng uống nước.
Như bà Trần Thị Thêm (nhà ở quận 3) hàng ngày đều nhờ ông đến chở xích lô đi chợ hoặc đi lễ nhà thờ. Bà bảo: "Già cả ngồi xe máy không quen nên đi xích lô cho an toàn. Ông Lai cũng nhiệt tình lắm, cần chở đi đâu ổng cũng không ngại, mà tiền bạc cho bao nhiêu cũng được. Thấy thương ổng già mà vất vả quá nên lâu lâu tui cũng cho thêm chút đỉnh".
Cũng như mọi ngày, 19h tối 23/2 ông Lai lại cặm cụi đạp xe đến trước cửa nhà thờ Tân Định (quận 1) để đón bà Thêm sau khi căn giờ tan lễ. Chở xong vị khách cuối cùng này ông mới trở về phòng trọ ở quận Phú Nhuận. Trong dòng người xe ngược xuôi tấp nập, ông lão già nua ngồi trên chiếc xích lô cao lênh khênh giữa đám đông. Trời Sài Gòn về đêm, giữa cảnh phố thị xa hoa rực rỡ, bóng ông cụ gầy gò cố rướn người ì ạch nhích từng vòng xe xa dần trung tâm thành phố...
Độc giả hảo tâm muốn giúp đỡ ông Trung Văn Lai xin liên hệ địa chỉ: số 36/31 đường Cù lao, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM (nơi ông ở trọ). Tài khoản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) số 1607205258153 (Chi nhánh Phan Đình Phùng, TP HCM; chủ tài khoản Trung Văn Lai); ĐT: 08 38 200 018 (nhà người quen của ông Lai).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét