Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Hàng trăm ổ cúm gia cầm tiềm ẩn tại TP HCM

Hàng trăm ổ cúm gia cầm tiềm ẩn tại TP HCM

Hơn 150 điểm bày bán gà vịt chưa qua kiểm dịch tại 17 quận huyện ở TP HCM đang bị coi là các điểm nóng có nguy cơ truyền bệnh cúm H5N1.

Đại diện Chi Cục Thú y TP HCM cho biết, trong khi ngành y tế cảnh báo bệnh cúm gia cầm có diễn biến phức tạp, thì tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép tại thành phố lại có chiều hướng phát triển mạnh từ trong và sau Tết.
Thống kê cho thấy, có tổng cộng 163 điểm bán gà vịt sống được ghi nhận, tập trung nhiều nhất ở quận 5, quận 7, quận 8, quận 12, Gò Vấp, Bình Chánh...
Gà sống được bày bán trên đường Phú Hữu, quận 5. Ảnh: Cao Lâm.
Ngay sáng nay, dù bị đoàn cán bộ thú y và cán bộ trật tự của các quận huyện kiểm tra, song tại nhiều chợ gia cầm quen thuộc của TP HCM, gà vịt sống vẫn được bày bán thoải mái.
Từ 6h30, phía sau Bến xe Chợ Lớn thuộc đường Phú Hữu, quận 5, gà sống đủ loại vẫn được bán dưới lòng đường. Vừa thấy khách có ý định mua, người bán hàng đã chèo kéo và quảng cáo “mua bao nhiêu cũng có”. Giá mỗi kg gà trung bình từ 90.000 đồng đến 100.000 đồng.

Chị Hảo, một người bán gia cầm sống tại khu vực này cho biết, gà được chở từ các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre lên Sài Gòn bằng xe máy. “Gà do nông dân nuôi hoàn toàn an toàn, không dịch bệnh gì đâu”, chị này trấn an khách.
Một người dân sống gần chợ gà Phú Hữu cho biết, do chở gà bằng xe máy, lại nhốt gà trong bao có cột kín miệng nên cán bộ thú y nếu chốt chặn vẫn khó phát hiện. “Chưa hết, tại chợ, những lúc bị kiểm tra, người bán cho hết gà vào các phòng trọ thuê sẵn ở gần đó rồi khóa cửa. Có khách mua mới len lén đưa ra”, ông này nói.
Nhộn nhịp và công khai hơn cả là khu vực cầu Tham Lương, quận 12. Tại đây, gà được chở bằng xe máy và bày bán luôn trên xe. Rao là gà thả vườn, mỗi con gà đồng giá 85.000 đồng, khách mua không cần phải cân kéo, chỉ chọn con nào ưng ý thì mua. “Khi thấy dấu hiệu có cán bộ thú y đến kiểm tra, họ leo lên xe bỏ chạy. Và chỉ một hồi sau, họ lại công khai trở lại bày bán”, một người dân sống gần khu vực này cho biết.
Tại khu vực phía sau chợ Hóc Môn, gà được giấu trong các bao to, người bán chỉ để vài con đại diện. Tuy nhiên người mua muốn bao nhiêu cũng có.
Gia cầm làm sẵn chưa qua kiểm dịch cũng được khuyến cáo không nên dùng. Ảnh: Cao Lâm.
Nhận định về thực trạng, đại diện Chi cục Thú Y TP HCM cho rằng, không có người mua ắt không có người bán. "Nguyên nhân khiến các điểm bán gà lưu động trái phép tồn tại, là do vẫn còn rất nhiều người chọn mua", một lãnh đạo Chi cục Thú y TP HCM nói.
Nêu lý do tại sao không mua gà siêu thị hoặc gà có nguồn gốc, nhiều người cho biết, gà ở các điểm bán gà sống thường có giá rẻ hơn. “Thêm nữa có thể dễ chọn lựa được loại gà có thịt chắc, là gà thả vườn chính hiệu chứ không bị nhầm như gà được làm sẵn”, chị Hoa nhà ở quận 6 nói.
Về phía Ủy ban nhân dân TP HCM, ông Lê Minh Trí, phó Chủ tịch cho rằng, nguyên nhân chính khiến thực trạng mua bán gia cầm trái phép còn tồn tại là do các quận huyện chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn thờ ơ, không cảnh giác trước thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát của ngành y tế.
Để ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan trên địa bàn, ông Trí yêu cầu Chi Cục Thú y phải khẩn trương cập nhật các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép, kịp thời thông báo cho các quận, huyện để kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, Chi cục cũng phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra hiệu giá kháng thể, đánh giá tình hình phát tán virus trên gia cầm tại các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ.
Riêng các quận, huyện, ông Trí yêu cầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để trên địa bàn còn có các điểm kinh doanh gia cầm trái phép.
Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng chỉ đạo, trong thời điểm bệnh diễn biến phức tạp, quận huyện nên vận động người dân chấm dứt chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, kể cả nuôi gà đá. Khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y.
Tính từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại 4 xã của 4 huyện thuộc các tỉnh gồm Quảng Trị, Thanh Hóa và Sóc Trăng, làm hơn 1.600 con gia cầm mắc bệnh, chết, số gia cầm buộc phải tiêu hủy là hơn 4.000 con.
Tại một số địa phương như Nghệ An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Thái Nguyên và Hà Nội bắt đầu có hiện tượng gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm. Theo thông báo của Bộ Y tế, trong tháng 1/2012 cũng đã có 2 bệnh nhân tại tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng bị nhiễm virus cúm gia cầm và tử vong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét